Người khỏi Covid-19 sẽ có chế độ dinh dưỡng như thế nào?

29/09/2021 09:28

Dinh dưỡng giúp cơ thể có sức khoẻ tốt, nâng cao sức đề kháng, khôi phục sức khoẻ sau bệnh tật. Đặc biệt với ngừơi bệnh sau điều trị COVID-19, dinh dưỡng lại càng quan trọng.

Ở những người bệnh có di chứng sau mắc Covid-19 như mệt mỏi kéo dài, ho, khó thở, vấn đề về da, tiêu hóa… việc chú ý tập luyện và ăn uống là rất cần thiết cho quá trình phục hồi.

Ở giai đoạn bệnh, mức chuyển hóa cơ bản tăng 10% khi có sốt, khó thở. Vì vậy, sau khi qua giai đoạn nhiễm cấp, cơ thể cần duy trì nhu cầu dinh dưỡng để bù đắp cho sự chuyển hóa đó.

dd-1632882401.jpg
Dinh dưỡng cho người sau điều trị COVID-19 rất quan trọng. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ nhanh chóng giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, cải thiện các chức năng cho cơ thể, trong đó có chức năng hô hấp bằng chế độ ăn giàu dinh dưỡng như: Nhiều năng lượng, protein và các vi chất dinh dưỡng trong khẩu phần.

Số bữa ăn trong ngày có thể chia từ 3-5 bữa tùy theo sức ăn của người bệnh. Nên kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn.

Trong bữa ăn, bạn cần cung cấp chất xơ từ 20-30 g/ngày, rau quả từ 400-500 g/ngày. Hình thức chế biến nên hạn chế chiên, xào nhiều dầu mỡ. Bạn nên ăn kèm thêm các món súp xay, canh hầm (với xương, các loại đậu, hạt sen, đại táo, câu kỷ tử...) để giúp việc tiêu hóa tốt hơn.

Trong các nguyên tố vi lượng, kẽm đặc biệt cần bổ sung ở nhóm bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, kém tập trung, buồn ngủ, tiêu hóa kém dễ bị tiêu lỏng. Kẽm có trong các loại thức ăn như hàu, sò, thịt gia súc, gia cầm, tôm, cua, cá…

Bên cạnh đó, ngoài ăn uống, bạn có thể bổ sung cùng với nhóm thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thu kẽm. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung viên uống chứa kẽm nguyên tố tùy theo thể trạng cơ thể.

Đối với người bệnh có triệu chứng tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, đi phân lỏng kéo dài sau nhiễm virus SARS-CoV-2, nên kết hợp bài tập xoa tam tiêu (làm ấm ngực - bụng) và sử dụng túi chườm thảo dược (hoặc túi chườm ấm) để giữ ấm vùng bụng. Phương pháp này sẽ hỗ trợ người bệnh cải thiện triệu chứng.

Nếu các triệu chứng "hậu Covid-19" kéo dài, gây cản trở đến sinh hoạt và tinh thần, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và điều trị sớm.

Một số lưu ý

Tăng cường rau quả: Các vitamin và khoáng chất chống oxy hóa có tác dụng tốt với người sau điều trị bệnh là vitamin A, C , D, E và chất khoáng như sắt, kẽm,…có vai trò trong chống viêm, chống nhiễm trùng. Rau quả là nguồn cung cấp các vitamin - khoáng chất và chất xơ. Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. Ăn các loại rau màu xanh sẫm và hoa quả màu đỏ hoặc vàng có chứa nhiều vitamin A, C, E. Ngoài ra, rau quả còn góp giúp cho tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol, hạn chế táo bón. Nhu cầu rau xanh và hoa quả là từ 400 - 600 g/người/ngày.

Tăng cường bổ sung nước: Người mắc bệnh COVID-19, thường bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali do sốt, viêm phổi và nhiễm trùng, vì thế tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi là rất cần thiết. Việc lựa chọn nước uống để bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, chất xơ, các chất chống o xy hóa, các loại nước được chế biến rất đơn giản từ rau xanh, hoa quả và rất nhiều các loại khác tùy theo sở thích của mỗi người. Các loại nước sinh tố hoa quả, ngoài cung cấp nước, chúng còn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép, nước soài, rau má,… để cung cấp lượng vitamin C, A là cần thiết cho cơ thể.

Tư vấn bởi: ThS.BS Ngô Thị Kim Oanh, Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3 (TP.HCM)

Vương Tôn Theo KTDB
Bạn đang đọc bài viết "Người khỏi Covid-19 sẽ có chế độ dinh dưỡng như thế nào?" tại chuyên mục Gia đình. Các thông tin đóng góp, xin liên hệ số hotline (0909.284.199) hoặc gửi email về địa chỉ email (baosaoplus@gmail.com).