Nga sẽ tìm khách hàng mới sau lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của EU

Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm nhập khẩu một phần dầu của Nga sau cuộc họp diễn ra hôm 30/5.

daumo-1654050486.jpg
Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, đã tăng nhập khẩu từ Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng Hai.

Theo đó, ngày 30/5 (giờ địa phương), các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt lệnh cấm vận một phần đối với ngành dầu mỏ Nga.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu - Charles Michel cho biết các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp đặt lệnh cấm đối với nguồn nhập khẩu dầu mỏ từ Nga trước cuối năm nay.

Lệnh cấm sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, trong đó bao gồm tất cả dầu đường biển từ Nga. Việc này sẽ cắt một nguồn tài chính lớn của Nga đến từ dầu mỏ và là áp lực tối đa lên Nga để kết thúc chiến sự tại Ukraine.

Tuy nhiên, EU đồng ý cho Hungary, quốc gia phụ thuộc lớn vào dầu thô của Nga, ngoại lệ với lệnh cấm dầu của khối.

Lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga là nội dung quan trọng nhất trong gói trừng phạt thứ 6 của EU. Bên cạnh đó, trong gói trừng phạt này, EU cũng nhất trí loại ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm thêm 3 đài phát thanh-truyền hình thuộc sở hữu nhà nước Nga và trừng phạt thêm một số cá nhân.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Charles Michel, Hội đồng châu Âu cũng sẵn sàng cấp cho Ukraine 9 tỷ euro (khoảng 9,6 tỷ USD).

“Tôi vui mừng khi các nhà lãnh đạo EU có thể nhất trí trên nguyên tắc đối với gói trừng phạt thứ 6 này. Điều đó rất quan trọng. EC giờ đây sẽ có thể hoàn tất một lệnh cấm tới 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga trước cuối năm nay. Đó là bước tiến quan trọng”, chủ tịch Ursula von der Leyen chia sẻ với báo giới.

Bên cạnh đó, bà Von der Leyen cho biết thêm 10% sản lượng dầu mỏ nhập khẩu còn lại là chảy ra hệ thống đường ống tại Hungary và Slovkia. Lượng nhập khẩu này được miễn trừ trừng phạt.

SWIFT là phương thức đặt lệnh chuyển khoản an toàn chính mà các ngân hàng dùng để yêu cầu thanh toán từ các tổ chức khác nhau. SWIFT giúp thương mại quốc tế, thanh toán xuyên biên giới và chuyển tiền quốc tế trở nên dễ dàng hơn.

Vương Tôn Theo KTDB

Link nội dung: https://saoplus.com.vn/nga-se-tim-khach-hang-moi-sau-lenh-cam-nhap-khau-dau-mo-cua-eu-a7484.html