Siêu thị than lỗ

Trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, một số siêu thị đã trợ giá nhiều mặt hàng cho người tiêu dùng và âm thầm bù lỗ cho các chi phí phát sinh.

Đại diện Saigon Co.op cho biết thời gian qua lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông, khiến các điểm bán của Saigon Co.op từ offline đến online đều quá tải. "Nhưng phân tích ngành hàng lại cho thấy siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm", đại diện hệ thống bán lẻ này chia sẻ.

Theo đại diện Saigon Co.op, thời điểm này, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) trong khi đây là ngành hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng, chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt.

Bên cạnh đó, các mặt hàng bình ổn cũng được siêu thị bù lỗ để giữ giá, điển hình nhất là mặt hàng trứng gà, có thời điểm giá bán ra của siêu thị còn thấp hơn giá mua vào.

"Cùng với yếu tố hàng hóa, hàng loạt chi phí phát sinh cũng là khó khăn lớn cho siêu thị như xét nghiệm nhanh và PCR liên tục cho nhân viên, tài xế, chế độ cho người lao động, phí giao hàng tăng cao và nhiều siêu thị phải đóng cửa khi xuất hiện ca nhiễm... khiến doanh thu không ổn định, các nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng", đại diện này cho hay.

imgl7221-1629296159.jpg
Các mặt hàng bình ổn được siêu thị bù lỗ để giữ giá, điển hình nhất là mặt hàng trứng gà, có thời điểm giá bán ra của siêu thị còn thấp hơn giá mua vào. Ảnh: Phương Lâm.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Saigon Co.op cho biết trong tháng cao điểm tiếp theo vẫn nỗ lực để giữ và giảm giá hàng hóa, chuẩn bị tốt các nguồn hàng hóa thiết yếu, tăng cường phối hợp đưa hàng hóa đến các hộ dân, khu cách ly, bệnh viện dã chiến hiệu quả hơn.

Trước đó, bà Ba Huân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân cũng cho biết công ty đã nhiều lần từ chối tăng giá bán trứng các loại dù đã được Sở Công Thương TP.HCM đồng ý cho phép tăng giá trong chương trình bình ổn giá thị trường.

Bởi theo bà, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến cho những biến động chi phí sản xuất tăng mạnh. Thế nhưng, công ty nói riêng và nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hoá thiết yếu đã cố gắng kìm giá bán nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong bối cảnh hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, đại diện Aeon Việt Nam cho biết siêu thị vẫn cố gắng giữ mức giá bán ổn định, đặc biệt đối với một số sản phẩm hỗ trợ tiêu thụ như: Nhãn xuồng, thanh long, sầu riêng trong thời gian này sẽ được bán với mức giá ưu đãi giúp bà con nông dân.

"Siêu thị luôn cố gắng đa dạng nhà cung cấp, làm việc và hỗ trợ nhà cung cấp để đảm bảo chi phí không tăng bất thường", bà cho hay.

Ngoài ra, theo đại điện Aeon Việt Nam, hiện nay tại một số khu vực “vùng xanh” chỉ có đối tượng là cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, phóng viên… được phép ra khỏi khu vực. "Theo đó nhân viên siêu thị chưa phải là đối tượng được ưu tiên, nên một số trường hợp di chuyển đến nơi làm việc còn nhiều khó khăn", bà Huệ cho biết.

Vì vậy, đại diện Aeon hy vọng UBND TP, Sở Công Thương và lực lượng công an có sự phối hợp đồng bộ để tạo điều kiện cho nhân viên hệ thống siêu thị được phép di chuyển để thực hiện công tác cung cấp dịch vụ và sản phẩm thiết yếu cho người dân.

Bên cạnh đó, bà cho rằng việc cho phép các shipper của các ứng dụng giao hàng được hoạt động liên quận trở lại đã giúp các siêu thị tăng năng lực cung ứng, phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng shipper vẫn còn hạn chế, vì vậy việc giao hàng bằng xe máy vẫn còn gặp khó khăn.

Link nội dung: https://saoplus.com.vn/sieu-thi-than-lo-a6634.html